THẢO DƯỢC TẤN PHÁT UY TÍN TẠO NIÊM TIN

Những căn bệnh trẻ có thể mắc phải khi nhập học mà phụ huynh cần lưu ý !

Thời điểm tựu trường là thời điểm trẻ gặp nhiều trở ngại nhất do thay đổi môi trường, tiếp xúc với nhiều thầy cô và bạn bè cũng như giờ giấc sinh hoạt ở nhà sẽ bị thay đổi. Mùa tựu trường thường sẽ là mùa thu, thời điểm virus, vi khuẩn có hại sinh sôi và tồn tại lâu nhất. Khiến cho trẻ sẽ dễ bị nhiễm các bệnh phổ biến từ cảm cúm, viêm họng đến bệnh nguy hiểm hơn như tay – chân – miệng, sốt xuất huyết,…. Hôm nay, Tấn Phát sẽ liệt kê cho độc giả những căn bệnh trẻ có thể mắc phải khi quay lại trường lớp để các bậc phụ huynh cảnh giác và chuẩn bị cho con em mình đi học tốt hơn!

Những căn bệnh trẻ có thể gặp phải khi nhập học mà phụ huynh cần lưu ý

1. Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh hô hấp thường gặp vào thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa thu khi virus Rhinovirus và Enterovirus sinh sôi và tồn tại kéo dài do thời tiết trở lạnh. Triệu chứng của cảm lạnh bao gồm sổ mũi, viêm họng, sốt kèm theo đó là một số triệu chứng nhẹ. Bệnh có thể khỏi sau 3-7 ngày. Đối với người trưởng thành, bệnh không gây ảnh hưởng nghiêm trọng mà chỉ gây phiền toái trong sinh hoạt, công việc hằng ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ lại tiềm ẩn nguy cơ do cơ thể của trẻ chưa được phát triển đầy đủ như người lớn.

Trẻ có thể bị cảm nhiều lần, nhất là khi thời tiết thay đổi vào những ngày giao mùa. Cảm lạnh có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ như viêm xoang, nhiễm trùng xoang, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và nhiều biến chứng khác. Chủ động phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ là điều cần thiết. Bậc phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen vệ sinh cần thiết như: rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mặt và miệng. Ngoài ra, thường xuyên bổ sung vitamin C cho trẻ bằng cách ăn nhiều trái cây giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.

2. Cúm

Cúm là một căn bệnh hô hấp phổ biến tại Việt Nam. Qua đợt đại dịch Covid-19 vừa rồi, các bác sĩ cho biết: bất kể ai cũng có thể mắc Covid-19 và cúm cùng lúc. Hai căn bệnh này sẽ phá hoại hệ miễn dịch của người bệnh, tăng khả năng tử vong. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ cho trẻ trước khi quay lại trường học là vô cùng quan trọng.

Tiêm phòng cúm hàng năm là điều cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ từ 6 tháng tuổi. Các loại vắc xin phòng cúm dành cho trẻ em và người lớn bao gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam).

dau hieu cum
Những triệu chứng bệnh cúm ở trẻ thường gặp

3. Tiêu chảy cấp

Là một bệnh tiêu chảy gây ra bởi Rotavirus, được cho là 1 trong 9 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em toàn cầu. 95% trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị tiêu chảy cấp ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh có khả năng gây nhiểm rất cao khi trẻ bắt đầu đến trường do nhiều thay đổi như môi trường và thói quen sinh hoạt sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Vì thế, việc phụ huynh chủ động tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ ngay từ sớm bằng việc xây dựng các thói quen sinh hoạt giống môi trường học đường sẽ giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi khi nhập học. Ngoài ra, hãy chủ động tiêm phòng cho trẻ ngay từ lúc 2 tháng tuổi là điều cần thiết.

4. Tay chân miệng

Là một căn bệnh quen thuộc gây nên nỗi ám ảnh cho phụ huynh khi cho con trẻ đến trường. Dù là một bệnh lành tính nhưng tay chân miệng là tác nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp có thể gây tử vong cho trẻ.

Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng hàng đầu của căn bệnh tay chân miệng do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh đang có xu hướng phát triển nhanh, với nhiều trường hợp bỏ qua độ 2 và độ 3 gây biến chứng nhanh chóng khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại.

Tay chân miệng có khả năng truyền nhiễm, lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch cộng đồng nếu không được phát hiện và đối phó kịp thời đặc biệt vào mùa tựu trường. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì thế phụ huynh và nhà trường có trách nhiệm chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ trong nhà lẫn trong trường học. Xây dựng chế độ dinh dưỡng và vệ sinh hợp lý cho trẻ. Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nếu trẻ có mắc bệnh.

tay chan mieng
Tay chân miệng là nỗi ám ảnh của phụ huynh và trẻ em

5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết cũng là một cái tên khiến nhiều cha mẹ đổ mồ hôi hột khi nghe đến. Là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue từ muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) gây ra và có đến tận 4 chủng khác nhau là DEN-1 đến DEN-4. Người bệnh nhiễm chủng nào thì cơ thể sẽ tạo nên miễn dịch đối với chủng đó, vì thế một người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết nhiều lần.

Trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Các triệu chứng bệnh bao gồm sốt cao đột ngột liên tục, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết (quan sát thấy các chấm máu dưới da), đau nhức cơ, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Đây là những biểu hiện sớm của bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên khi xét nghiệm máu ở giai đoạn này thường sẽ cho ra kết quả không rõ ràng.

Sau 3 – 7 ngày mắc bệnh, trẻ sẽ rơi vào giai đoạn nguy hiểm khi biểu hiện sốt ở trẻ đã thuyên giảm khiến phụ huynh đánh giá sai tình hình bệnh. Ở giai đoạn này trẻ sẽ mất nhiều huyết tương, khiến bụng bị chướng to, nguy cơ cao gây tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Khi bắt gặp những biểu hiện trên, phụ huynh cần phải gấp rút đưa con mình vào cơ sở y tế gần nhất để lấy máu, chẩn đoán và chữa trị. Nếu bỏ qua các dấu hiệu trên, bệnh sẽ trở nặng dẫn đến sốc với các biểu hiện nguy kịch như trẻ vật vã, lờ đờ, lạnh đầu ngón tay chân, da lạnh, nhợt nhạt, tụt huyết áp,…. đặc biệt trẻ bị xuất huyết dưới da sẽ xuất hiện các mảng và nốt bầm tím. Một trong 3 biến chứng nguy hiểm là giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Đến đây, trẻ đã nguy kịch, cần can thiệp y tế gấp.

Sau khi trải qua giai đoạn nguy hiểm kéo dài từ 2 đến 3 ngày, trẻ sẽ phục hồi. Trẻ sẽ hết sốt, tình trạng cơ thể cải thiện nhiều, thèm ăn, huyết áp ổn định. Khi xét nghiệm máu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu dần ổn định. Đến đây, trẻ đã có thể được xuất viện và về nhà để điều trị và theo dõi.

Phụ huynh và nhà trường có thể chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bệnh sốt xuất huyết bằng các biện pháp chủ động như vệ sinh các nguồn nước trong nhà và trường học. Tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy trong các bể chứa nước sinh hoạt. Loại bỏ nước ô nhiễm và diệt muỗi và phòng muỗi đốt bằng các cách như xịt côn trùng, phối hợp với các cơ quan y tế địa phương trong chiến dịch phun hóa chất phòng chống muỗi,…

chong sot xuat huyet
Infographics tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết của Bộ Y tế

Kết luận

Trên đây, Tấn Phát đã liệt kê 5 căn bệnh mà trẻ có thể mắc phải khi nhập học mà phụ huynh cần lưu ý. Việc quan trọng nhất luôn là phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế các bậc cha mẹ nên chủ động phòng tránh bệnh cho con bằng cách tiêm phòng đầy đủ, xây dựng thói quen sinh hoạt, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tạo nên môi trường sống vệ sinh, an toàn cho trẻ nhỏ để trẻ có thể học tập và vui chơi mà không phải lo nhiễm bệnh.

Đánh giá